- Công ty CP DV Bảo vệ An ninh INVICO trao 45 triệu đồng hỗ trợ đồng bào...
- Kỳ họp quý 2 năm 2024 của Công ty Vệ sĩ INVICO
- Công ty INVICO tăng cường công tác an ninh trật tự tại KCN WHA - Nghệ ...
- Công ty INVICO thực hành bắn đạn thật năm 2023
- Phí dịch vụ bảo vệ tại Nghệ An sẽ phải tăng lên để nộp BHXH cho người ...
- Nhân viên bảo vệ có được bắt giữ người không?
Nhiều người “trắng tay” vì doanh nghiệp lừa huy động vốn
Thời gian đăng: 20-08-2019 14:19 | 337 lượt xemIn bản tin
Với hình thức huy động vốn với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp lừa đảo “ôm” tiền tỷ của người dân rồi mất khả năng thanh toán khiến các nạn nhân “trắng tay”. Mặc dù thủ đoạn lừa đảo này diễn ra ở nhiều địa phương và các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng nhiều người vẫn thấy lợi trước mắt mà bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Nhiều tháng qua, người dân ở xã Đức Thắng (H. Mộ Đức, Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì bị một doanh nghiệp lừa huy động vốn với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh (trú xã Đức Thắng) là một trong hơn 100 nạn nhân bị 2 đối tượng của Công ty cổ phần phát triển và đầu tư TVT (Cty TVT) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn. Bà Thanh cho biết, đầu năm 2018, đối tượng Nguyễn Hồng Giang (quê gốc ở xã Đức Thắng) đến nhiều nhà người dân trong xã kêu gọi góp vốn kinh doanh với lãi suất cao hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Thấy Nguyễn Hồng Giang ăn mặc lịch sự, đi ô-tô xịn, xài toàn hàng hiệu, cách giao tiếp rất giống một doanh nhân thành đạt và còn giới thiệu là có quen nhiều lãnh đạo các ngành để thuận lợi cho việc kinh doanh, bà Thanh tin lời đưa 500 triệu đồng cho Giang để góp vốn. Tuy nhiên, đến hạn trả nợ vay thì bà Giang hứa hẹn rồi sau đó khóa máy điện thoại.
Tương tự, gia đình anh Phan Đoàn (trú xã Đức Thắng) cũng gom tất cả khoản tiền tiết kiệm định mua đất cho con để đưa cho Nguyễn Hồng Giang. Ngoài ra, anh Đoàn đã vay mượn thêm gần 2 tỷ đồng giao cho Nguyễn Hồng Giang vay để hưởng lãi suất. Tuy nhiên sau đó cả vốn lẫn lãi đều bị công ty quỵt nợ. Ông Phan Đoàn bức xúc: “Để tạo niềm tin, đối tượng giới thiệu là phó giám đốc của công ty bất động sản và cam đoan uy tín sẽ trả tiền lãi, vốn gốc cho bà con. Còn nếu ở công ty có thông tin gì thì đối tượng sẽ báo cho bà con nhanh rút tiền khỏi công ty. Vì thế tôi tin tưởng mới đưa tiền”.
Không ít trường hợp sau khi dùng toàn bộ gia sản của mình còn huy động cả tiền của anh em họ hàng mang đi cho doanh nghiệp vay những mong “một vốn hàng chục lời và mất trắng”. Bà Trần Thị Lan (trú xã Đức Thắng), kể lại: “Người thân họ hàng của tôi rủ tôi tham gia, sau đó đại diện doanh nghiệp đến nhà tôi bảo tôi gửi tiền vào công ty để hưởng lãi khủng. Chỉ cần vài tháng là chị nhận tiền lãi và vốn gấp 3 lần. Nghe vậy tôi mượn người thân để đưa cho doanh nghiệp. Vài tháng sau tôi gọi điện liên lạc thì số thuê bao bị khóa. Lúc này tôi mới ngã ngửa biết là bị lừa. Nhiều ngày lên TP Quảng Ngãi tìm nhưng không biết doanh nghiệp đó ở đâu”.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế CA tỉnh Quảng Ngãi đã bắt Trần Việt Thành (33 tuổi, trú P. Trần Phú, TP Quảng Ngãi), Giám đốc Cty TVT cùng đồng bọn là Nguyễn Hồng Giang (29 tuổi, trú xã Đức Thắng) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù biết rõ công ty kinh doanh không hiệu quả, không có khả năng trả nợ nhưng Thành và Giang vẫn đưa ra thông tin giả để huy động vốn của nhiều người, sau đó không thanh toán gốc và lãi cho họ. Bước đầu cơ quan CA xác định, từ năm 2012 đến năm 2018, Thành và đồng bọn đã huy động và chiếm đoạt của 107 người gửi với số tiền là hơn 35 tỷ đồng.
Chiêu bài của đối tượng khi huy động tiền là sòng phẳng khi thanh toán lãi trước. Ngoài ra, đối tượng còn rêu rao là làm doanh nghiệp, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo và nhiều cơ quan chức năng. Chính vì vậy, hộ này rỉ tai hộ kia theo dạng đa cấp, rồi để lại hậu quả bị lừa dây chuyền. Một số doanh nghiệp có ý đồ, thủ đoạn ngay từ đầu, sử dụng những chiêu trò tinh vi dưới mác doanh nghiệp thành đạt, đại gia với vẻ hào nhoáng bên ngoài, trả lãi suất cao trong mấy tháng đầu khi vừa nhận vốn nhằm đánh trúng tâm lý hám lợi để nhử các “con mồi”. Trong khi đó, người dân khi cho vay lại bị lợi nhuận làm mờ mắt, bỏ qua việc tìm hiểu về người đi vay; cho vay không theo bất kỳ nguyên tắc nào, không cần biết người vay dùng tiền làm gì. Thậm chí nhắm mắt ký hợp đồng, dâng tiền cho vay mà chẳng hề quan tâm đến khả năng thanh toán, khả năng trả nợ của chủ nợ. Chỉ khi sự đã rồi mới cuống cuồng đòi lại tiền trong tình thế chẳng khác nào nắm dao đằng lưỡi.
Đại tá Nguyễn Hùng Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Các đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp để hoạt động huy động vốn. Doanh nghiệp đánh vào lòng tham của người dân lao động. Thấy lãi suất của doanh nghiệp đưa ra cao hơn với lãi suất ngân hàng. Chính vì vậy tiếp cận người dân nghèo tin tưởng gửi tiền vào nên doanh nghiệp lợi dụng chiếm đoạt tài sản”.