Chi tiết tin tức

Tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn gửi tiết kiệm?

Thời gian đăng: 23-11-2019 20:46 | 472 lượt xemIn bản tin

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, trao đổi quan điểm về một số thông tin gần đây cho rằng, việc gửi tiết kiệm sẽ có lợi ích hơn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lợi ích lâu dài

Theo lý giải của BHXH VN, nếu so sánh giữa tham gia BHXH để hưởng lương hưu và gửi tiết kiệm về cơ bản cũng tương tự như giữa việc tham gia BHXH và bảo hiểm nhân thọ.

“Bởi các ngân hàng cũng hoạt động nhằm mục đích sinh lời và là nghề kinh doanh có lời nhất. Như vậy, phần tiền lời đó cũng được lấy chính từ tiền gửi tiết kiệm của người gửi. Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 20 - 30 năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít” - ông Phạm Lương Sơn nói.

 

Người lao động của Công ty dịch vụ bảo vệ INVICO Nghệ An đang tìm hiểu các quy định tham gia BHXH

 

Đây là điều ngược lại với BHXH. Số tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm và trở thành căn cứ để tính lương hưu.

Để so sánh lợi ích từ việc đầu tư khi tham gia BHXH tự nguyện so với việc gửi tiết kiệm của một người, ông Phạm Lương Sơn dẫn chứng bằng ví dụ với các giả định như sau:

“Đóng BHXH và gửi tiết kiệm 20 năm tính từ năm 2008 (năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện); Số tiền gửi tiết kiệm bằng số tiền đóng BHXH duy trì trong suốt 20 năm và số tiền đóng BHXH được tính bằng tỷ lệ % theo quy định của từng thời kỳ tính trên số tiền người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH là 5.000.000 đồng”.

Cụ thể:

Về mức đóng BHXH tự nguyện: Năm 2008-2009: 800.000đ (bằng 16%); Năm 2010-2011: 900.000đ (bằng 18%); Năm 2012-2013: 1.000.000đ (bằng 20%); Năm 2014 trở đi: 1.100.000đ (bằng 22%).

Lãi suất tiết kiệm: 7%/năm, tính theo lãi gộp qua từng năm.

Chỉ số điều chỉnh tiền đóng BHXH theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5%/năm tính từ năm t-1 (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay). Người tham gia hưởng lương hưu từ năm 2028 khi đủ 55 tuổi đối với nữ tỷ lệ % hưởng lương hưu theo quy định là 55% (nam giới đủ 60 tuổi, tỷ lệ là 45%);

Mức điều chỉnh lương hưu bình quân tăng: 7%/năm (lấy thấp hơn mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 đến năm 2017). Kỳ vọng sống sau tuổi nghỉ hưu là 20 năm; Mức lương cơ sở tại thời điểm năm 2048 là 10.000.000 đồng, tăng 8,27%/năm (từ năm 2008 đến tháng 6/2017 mức tăng lương cơ sở bình quân là 13,7%/năm);

Trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng lương hưu tại thời điểm chết (mức thấp nhất theo quy định).

Sau khi tính toán, kết quả như sau:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo ông Phạm Lương Sơn, cùng với số tiền gửi tiết kiệm là 249.600.000 đồng, nhưng đầu tư để tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng an sinh xã hội trọn đời với tổng số tiền được hưởng là 2.160.690.000 đồng (đối với nam là 1.786.019.000 đồng) và nhiều hơn gửi tiết kiệm với số tiền rất lớn là 973.333.000 đồng (đối với nam là 598.303.000 đồng).

Cũng theo lý giải của BHXH VN, trường hợp tham gia BHXH bắt buộc, lợi ích của người tham gia rất lớn vì số tiền người lao động phải bỏ ra đóng BHXH chỉ là 90.763.600 đồng, phần còn lại do đơn vị đóng.

Ngoài ra, người lao động trong suốt thời gian hưởng lương hưu được khám, chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả với số tiền không thể thống kê được.

Từ câu chuyện thực tế

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, một số thông tin trên báo chí gần đây có phản ánh câu chuyện với tiêu đề “12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở”. Nội dung bài báo đã kể về một số câu chuyện về hành trình tích cóp tiền đem gửi tiết kiệm của một số người và sau mấy chục năm họ ngã ngửa khi tiền gửi “bốc hơi” còn bằng cân thịt, mớ rau, thậm chí có trường hợp chỉ còn 0 đồng.

Câu chuyện thứ nhất: Từ năm 1982-1985, vợ chồng ông Lê Minh Toán (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dành dụm được tổng giá trị 4.100 đồng và gửi 12 cuốn sổ tiết kiệm vào các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Ở thời điểm ấy, số tiền ông gửi đủ mua thêm một căn hộ nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Đến khi về hưu, năm 2002, ông Toán áng chừng số tiền cả gốc lẫn lãi mà cả đời ông gửi tiết kiệm sẽ vào khoảng 50-70 triệu đồng và cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Nhưng ông đau xót khi biết số tiền sau 20 năm, cả gốc lẫn lãi ông chỉ thu được 109.778 đồng, đủ trả ba tô phở.

Câu chuyện thứ hai: Anh Hoàng Nam Thành (TPHCM) gửi tiết kiệm 2 chỉ vàng từ cuối năm 1983, sau 34 năm chỉ còn 0 đồng.

Câu chuyện thứ ba: Ông Nguyễn Vinh Rượu (Hòa Vang, Đà Nẵng) gửi 90 đồng vào quỹ tiết kiệm theo dạng tiết kiệm không kỳ hạn từ ngày 27/9/1983, đến sáng 31/3/2015, bà Nguyễn Thị Thạnh (con gái ông Rượu) mang sổ tiết kiệm đến Ngân hàng VietinBank hỏi và được trả lời theo ước tính của nhân viên ngân hàng thì bà Thạnh sẽ được nhận hơn 20.000 đồng.

“Như vậy càng củng cố thêm nhận định: Đối với quỹ BHXH, dù đồng tiền mất giá vẫn luôn được Nhà nước điều chỉnh kịp thời bù đắp lại quyền lợi cho người tham gia BHXH. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn có mức lương ổn định trong suốt cuộc đời, không bị rủi ro như gửi tiết kiệm” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Mỗi người khi còn khả năng lao động để tạo thu nhập thì việc chủ động lo toan cho cuộc sống của mình khi về già là điều tất yếu. Nếu chúng ta có thu nhập dư giả, việc lựa chọn sẽ có nhiều hơn: Vừa tham gia BHXH, vừa tham gia bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm để được hưởng nhiều quyền lợi hơn và rất hữu ích. Tuy nhiên, điều đó nằm ngoài khả năng của nhiều người. Đặc biệt, việc lựa chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc gửi tiết kiệm thay cho tham gia BHXH là không thực tế”.

(Nguồn Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập)

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận