Chi tiết tin tức

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Thời gian đăng: 01-09-2018 20:12 | 423 lượt xemIn bản tin

Truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại là phù hợp với xu thế phát triển và các công ước Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn.

BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã thêm điều luật quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) pháp nhân. Đây là một điểm mới tiến bộ, nổi bật của BLHS năm 2015 thể hiện sự thay đổi lớn, mang tính đột phá trong sự phát triển của pháp luật hình sự và nhận thức truyền thống về tội phạm của chúng ta từ trước đến nay.

Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã thúc đẩy sự ra đời và hoạt động ngày càng nhiều của các pháp nhân thương mại, tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện cũng đang diễn ra ngày càng nhiều với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Trong khi đó, việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự đối với các hành vi trái pháp luật của pháp nhân cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không đủ sức răn đe và giáo dục, nhiều pháp nhân sẵn sàng chịu phạt hoặc bồi thường để tiếp tục vi phạm, làm giảm hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước. Do đó, quy định TNHS của pháp nhân là cần thiết, với chế tài nghiêm khắc nhất, thể hiện tính cưỡng chế Nhà nước cao, sẽ có tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với pháp nhân cao hơn.

Chế định TNHS của pháp nhân là một xu thế phổ biến đã được các nước trên thế giới, như Anh, Mỹ, Cannda, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc…áp dụng. Việc quy định TNHS của pháp nhân cũng phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, hoặc phê chuẩn, như Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC). Do đó, việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại đã đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công cuộc phòng chống, xử lý tội phạm trong điều kiện của nước ta hiện nay.

Khó khăn khi áp dụng

TNHS của pháp nhân là một vấn đề tương đối phức tạp, đây lại là một chế định hoàn toàn toàn mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên những người làm luật cũng đã thể hiện sự thận trọng khi mới chỉ giới hạn chủ thể của tội phạm chỉ là các pháp nhân thương mại (Điều 2 BLHS năm 2015) và phạm vi TNHS của pháp nhân cũng chỉ mới được giới hạn trong một số tội danh nhất định được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 như: Tội buôn lậu (Điều 188), tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189), tội trốn thuế (Điều 200), tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội huỷ hoại rừng (Điều 243)…

Mặc dù đã có những quy định tương đối rõ ràng và đầy đủ, nhưng việc áp dụng TNHS của pháp nhân cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện hơn hoặc có những quy định hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.

Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015,việc truy cứu TNHS của pháp nhân phải có đầy đủ 4 điều kiện, bao gồm:(1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và (4) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định. Tuy nhiên, thực tế việc chứng minh đầy đủ cả 4 điều kiện này là rất khó khăn. Mặt khác, việc pháp nhân thực hiện các hành vi phạm tội không phải lúc nào cũng hội tụ đầy đủ cả 4 điều kiện này như: Hành vi phạm tội có thể được thực hiện nhân danh pháp nhân hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân nhưng cũng chưa chắc đã vì lợi ích của pháp nhân. Ngược lại, có những hành vi được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân nhưng không phải lúc nào cũng nhân danh pháp nhân hoặc thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân.

Ngoài ra, quy định về điều kiện thứ (3):“Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại” cũng khó xác định, vì thực tế hoạt động của pháp nhân là thông qua người đại diện theo pháp luật (Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV,vv…), thông qua các quyết định của các bộ phận có thẩm quyền của pháp nhân (HĐTV, HĐQT, hay Đại hội đồng cổ đông). Pháp nhân không thể trực tiếp điều hành, chỉ đạo các hoạt động của mình. 

Mặt khác, những quy định nêu trên vẫn còn mang tính khái quát rất cao nên để có thể thi hành trong thực tiễn thì vẫn cần có những quy định hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.

Chế tài khi pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố và xét xử

Chúng ta vẫn thường hiểu, nói đến xét xử hình sự là nói đến tội phạm và hình phạt là tù tội. Tuy nhiên, không thể bỏ tù một pháp nhân nên vấn đề chế tài đối với pháp nhân bị xét xử khác với cá nhân (thể nhân) bị xét xử trong vụ án hình sự. Khi pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy theo tính chất, mức độ và của hành vi phạm tội mà có thể phải chịu chế tài như: Phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn, tạm đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực hoặc cấm huy động vốn trong một khoảng thời gian.

Tác động của việc xét xử hình sự pháp nhân thương mại

Khi một pháp nhân thương mại bị xét xử thì các chế tài áp dụng có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, bởi có những pháp nhân có số lượng người lao động rất lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của một vùng thậm chí là ảnh hưởng cả đến việc thu thuế của địa phương nơi pháp nhân hoạt động. Do đó, nhà làm luật cũng cần có những quy định đầy đủ hơn về việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý TNHS của pháp nhân như: Trong trường hợp pháp nhân bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 78 và Điều 79 BLHS năm 2015) thì quyền lợi của người lao động, của chủ nợ, các đối tác đang có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với pháp nhân này sẽ được giải quyết như thế nào cũng cần phải có những quy định điều chỉnh cụ thể và phù hợp.

Vì vậy, để các quy định về TNHS của pháp nhân thương mại có thể được áp dụng hiệu quả và thống nhất thì chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định này cho phù hợp nhất với thực tiễn.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách 

(Nguồn: Tạp chí doanh nghiệp và hội nhập online)

Bình luận